“Tôi không biết lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam”
PHÚC AN (thực hiện) – Thứ bảy, 21/1/2012
Ông Adib Kouteili bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng trong vai trò…người… phỏng vấn. Hài hước, lạc quan, cởi mở và tràn đầy năng lượng là những ấn tượng đầu tiên mà vị doanh nhân người Canada gốc Libăng đã có 18 năm sống, làm việc và kinh doanh tại Việt Nam này mang đến cho người tiếp xúc.
Adib Kouteili bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng trong vai trò…người… phỏng vấn. Hài hước, lạc quan, cởi mở và tràn đầy năng lượng là những ấn tượng đầu tiên mà vị doanh nhân người Canada gốc Libăng đã có 18 năm sống, làm việc và kinh doanh tại Việt Nam này mang đến cho người tiếp xúc.
Hãy nói cho tôi biết cách chiến thắng
* Là người điều hành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhà thép tiền chế, ông có thể chia sẻ những giá trị cốt lõi giúp PEB Steel Buildings kinh doanh thành công tại Việt Nam trong nhiều năm qua?
– Khi một nhân viên nào đó nói với tôi rằng anh ta đang gặp rắc rối trong công việc, tôi hỏi ngay: “Vậy giải pháp của anh là gì?”. Ở vai trò người quản lý dự án, bản thân anh ta phải chịu trách nhiệm đưa ra giải pháp cho các vấn đề vướng mắc.
Công việc của tôi là hỗ trợ. Nếu anh ta cần tiền, tôi sẽ cung cấp. Nếu anh ta cần giúp đỡ về nhân sự, tôi sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, chính anh ta phải giải quyết các vướng mắc đó. Tôi gọi điều này là “ownership” – sự tự chủ.
Bạn hãy luôn là chính mình và luôn tin tưởng mình sẽ làm được. Chỉ cần bạn nghĩ “tôi không làm được” thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm được bất kỳ điều gì. Đây là lý do vì sao PEB Steel vẫn trụ vững trong khó khăn (và, nói nhỏ cho bạn biết, trong khi nhiều đối thủ đang chịu lỗ).
Thêm một ví dụ thực tế nữa: Khi chúng tôi mở chi nhánh mới ở Campuchia và cần người đại diện, một trong những nhân viên trẻ đã nhận nhiệm vụ này. Cậu này cũng từng có sáng kiến tổ chức hội thảo, trao học bổng cho sinh viên tại các trường đại học.
Cậu còn rất trẻ nhưng dám chịu trách nhiệm cho mọi việc mình làm. Chúng tôi tập trung vào phương châm: “Đừng giải thích vì sao bạn thất bại, hãy nói tôi biết cách chiến thắng” và bằng hành động cụ thể, chúng tôi xây dựng tính tự chủ cho mọi nhân viên (chứ không nói suông).
Chúng tôi luôn tìm kiếm những nhân viên có tố chất doanh nhân: dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của công ty. Khi tôi đến Việt Nam vào năm 1993, tôi đã gặp rất nhiều người trẻ, và bây giờ họ đã trở thành những lãnh đạo hàng đầu của các công ty, tập đoàn và Chính phủ.
* Ông thấy thế hệ những người Việt trẻ cách đây 18 năm và giới trẻ bây giờ khác nhau như thế nào?
– Thế hệ trẻ ngày trước làm việc rất chăm chỉ, còn giới trẻ bây giờ học hành rất hăng say. Một trong những điều tuyệt vời nhất của văn hóa Việt Nam là giáo dục được đặt lên hàng đầu. Hầu hết mọi gia đình đều đầu tư toàn bộ tiền bạc dành dụm được cho việc học hành của con cái. Các bạn trẻ ngày nay cũng nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục.
Dù hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát và nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác, nhưng tôi tin chắc các bạn sẽ vượt qua, vì các bạn luôn đánh giá cao giá trị của giáo dục, các bạn có nền tảng tri thức và làm việc chăm chỉ.
Mỗi quốc gia đều có những giai đoạn thăng trầm, nhưng chính giáo dục mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tôi đã gặp rất nhiều giám đốc trẻ người Việt chỉ mới 30-40 tuổi, họ đều là những người trẻ dám nắm bắt cơ hội, dám thay đổi.
Ngay cả Chính phủ Việt Nam cũng rất ưu ái những người có tài năng. Một trong những người Việt mà tôi ngưỡng mộ là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông ấy đã đem lại sự phát triển cho Bình Dương, TP.HCM và được bầu là Chủ tịch nước.
Điều này chứng tỏ không chỉ những người giỏi chính trị mà ngay cả những người giỏi làm kinh tế cũng có thể trở thành lãnh đạo quốc gia. Nhiều đất nước khác trên thế giới không như vậy. Ở Việt Nam, bạn nỗ lực cống hiến cho đất nước, bạn sẽ có cơ hội thăng tiến.
Việt Nam – nơi giấc mơ trở thành hiện thực
* Dưới góc nhìn của ông, cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi ra sao trong suốt thời gian qua?
– Việt Nam đã khác nhiều so với cách đây 20 năm. Ngày trước, các bà mẹ sẽ không để các cô con gái đi chơi về khuya. Phụ nữ Việt Nam cũng ngày càng độc lập hơn. Phụ nữ ngày nay có việc làm, kiếm được nhiều tiền, tự chủ hơn và có nhiều lựa chọn hơn.
Nếu không thích công việc đang làm, họ kiếm việc khác. Cảm thấy không hạnh phúc bên chồng, họ cũng tìm người khác. Ở nhiều quốc gia khác, người ta cố gắng giữ công việc bằng mọi giá.
Ở Việt Nam, bạn sẽ không chết nếu bị mất việc. Khi bạn tự do, bạn sẽ làm việc tốt hơn rất nhiều. Chúng ta làm việc không hẳn vì tiền, mà vì chúng ta yêu thích công việc đó và muốn mình trở nên tốt đẹp hơn.
Cuộc sống ở TP.HCM về đêm thật tuyệt vời, sống động với nhiều loại hình giải trí. Có rất nhiều nhà hàng phục vụ ẩm thực của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bạn thậm chí có thể tìm thấy nhà hàng bán các món ăn Libăng hoặc Nepan.
Tôi có hai người bạn là lãnh đạo của hai ngân hàng nước ngoài khá lớn tại Việt Nam. Khi ngân hàng muốn chuyển họ đến công tác ở một quốc gia khác, họ xin thôi việc. Để làm gì? Để ở lại Việt Nam. Rất nhiều bạn bè của tôi cũng làm vậy. Họ và cả tôi nữa, đều yêu mến đất nước này.
Có nhiều quốc gia khác trong khu vực phát triển hơn, nhưng nhiều người nước ngoài cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam thoải mái hơn. Ở Việt Nam không thiếu thứ gì, giá cả lại rẻ, và người Việt rất hiếu khách. Người ngoại quốc đến Việt Nam cũng thấy thoải mái vì họ được chào đón. Điều này rất quan trọng.
Ở vài quốc gia khác, người bản xứ không thích người nước ngoài, vì họ nghĩ rằng người nước ngoài lấy đi công việc, tiền bạc, của cải của họ. Ở Việt Nam thì khác, mọi người thích người ngoại quốc, vì thấy rằng chúng tôi ở đây để giúp đỡ.
* Đó là lý do vì sao ông quyết định đến đây lập nghiệp?
– Đúng vậy. Lúc đó tôi còn là một gã trai trẻ, và bây giờ tôi là một doanh nhân. Ngay cả bây giờ, tôi cũng không biết lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam. Việt Nam là nơi giấc mơ trở thành hiện thực.
Ở Canada, bạn hầu như không thể tự mình kinh doanh. Bạn sẽ cần một số vốn khổng lồ. Canada là đất nước của những tập đoàn lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, với 20.000 đô la, bạn có thể mở một quán rượu hay một trung tâm ngoại ngữ.
Tôi có quen vài người bạn đến đây để dạy piano và tennis. Ở Việt Nam, bạn có cơ hội làm nhiều điều mình muốn và kiếm tiền. Giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực ở đây – Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ: Đừng vội trở thành doanh nhân quá sớm. Trở thành doanh nhân đồng nghĩa với việc phải đối mặt với stress và nhiều việc đau đầu khác. Hãy tận hưởng công việc hiện có, tận hưởng mỗi giây của cuộc đời.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam quá vội vã làm giàu. Bạn chẳng cần mơ đến 50 triệu đô đâu. Nếu quá vội vàng, bạn sẽ biến cuộc sống của mình thành địa ngục. Hãy mơ những giấc mơ đơn giản và tận hưởng cuộc sống. Tôi biết nhiều người rất giàu nhưng họ không hạnh phúc.
Tôi không thích nói lý thuyết. Tôi kể những câu chuyện có thật. Tôi trở thành doanh nhân không phải vì tôi quyết định như thế, mà do cơ hội. Tôi không lựa chọn điều gì trong đời mình. Mọi thứ đều diễn ra ngẫu nhiên. Tôi tin vào cơ hội và cảm thấy mình may mắn.
Sếp cũ, cũng là người thầy đã nói với tôi: “Chúng ta phải dạy cho nhân viên mọi thứ”. Tôi thắc mắc: “Nếu như vậy thì họ còn cần chúng ta làm gì nữa?”. Ông trả lời: “Không, khi anh truyền thụ càng nhiều kiến thức cho cấp dưới, anh sẽ nỗ lực cải thiện bản thân nhiều hơn, vì anh luôn muốn mình giỏi hơn họ”.
Văn hóa Phật giáo tin rằng, bạn càng cho đi nhiều, bạn sẽ nhận lại càng nhiều. Đây cũng là nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
*Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn