CON ĐƯỜNG CỦA PEB
Hai anh em người Canada xây dựng cơ nghiệp tại Việt Nam với vị trí dẫn đầu trong ngành gia công nhà thép tiền chế.
Con đường số 1 thuộc khu công nghiệp Đông Xuyên (Bà Rịa – Vũng Tàu) nay người ta quen gọi “đường PEB” do nhà máy của PEB Steel Buildings Vietnam nằm trải dài trên diện tích 4,3 hecta, cứ cách mười mét có một logo “PEB” màu xanh ấn tượng trên tường. Họ vừa thuê thêm 2,3 hecta khác cho hai nhà máy mới và nhắm hoàn thành khu phức hợp gia công kết cấu thép tiền chế vào tháng 11 tới để đáp ứng các hợp đồng mới lẫn nhu cầu thị trường đang tăng cao. “Bạn nhìn thấy những cơ hội, đặc biệt trong lĩnh vực thép, và chỉ việc hiện thực hóa nó,” Adib Kouteili, Giám đốc Điều hành PEB Steel tự tin nó.
Khu phức hợp này sẽ đánh dấu cột mốc 20 năm của PEB Steel tại Việt Nam do hai anh em Sami Kteily và Adib Kouteili gầy dựng ngay từ những ngày đầu nền kinh tế Việt Nam mở cửa (1994). Họ cũng là những doanh nhân Canada đầu tiên khởi nghiệp ở Việt Nam. Từ một văn phòng nhỏ tại Việt Nam, nay PEB Steel có mặt tại sáu thị trường khu vực ASEAN cùng các nhà máy liên doanh ở Bangladesh và Ấn Độ, nâng tổng công suất lên 120 ngàn tấn/ năm và cho phép họ cung ứng sản phẩm đến cho các công trình nhà thép tiền chế lớn trong thời gian ngắn với giá cả cạnh tranh hơn. Gần 3,300 công trình nhà thép tiền chế cung ứng trên thị trường đã đưa PEB Steel lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp gia công mới mẻ này tại Việt Nam.
Kéo bức màn cửa sổ phòng làm việc ở tầng 07 tòa nhà C.T Plaza, Sami Kteily, 56 tuổi (với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên PEB Steel), chỉ về sân bay Tân Sơn Nhất nằm đối diện và cho biết, từ đây ông chứng kiến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Sân bay này đã mở rộng nhiều lần so với những ngày đầu ông đến Việt Nam. “Muốn bay ra Hà Nội phải đợi cả tuần.” Ở đó có cả công trình nhà chứa máy bay do PEB Steel thi công, gần hơn là biển quảng cáo nổi bật án ngữ lối vào sân bay của Posco, đối tác đầu tư vào PEB Steel. Sami nhớ lại, năm 1994, ở Việt Nam còn chưa biết về nhà thép tiền chế, công trình chủ yếu là khung giàn sử dụng thép cán nóng, bị hạn chế về độ nặng và diện tích, chi phí cao. Nhà cung cấp như ông luôn nghĩ đến tối ưu hóa trọng lượng cho công trình nhà thép tiền chế có diện tích lớn hơn mà không cần tới các cột chống.
Những nhà thép tiền chế đầu tiên của họ ra đời được thiết kế cải tiến mạnh mẽ so với chuẩn đang có trên thị trường, chiều rộng 50 mét và cao đến 13 mét. Nhưng sau đó PEB Steel liên tục phá vỡ chính kỷ lục của mình và tạo ra khác biệt bằng các kỷ lục mới trong ngành công nghiệp xây dựng nhà thép lớn nhất (11,300 tấn) cho nhà máy công nghiệp nặng Doosan tại Dung Quất; xây nhà không cần cột giữa (dài 90 mét) cho nhà máy xử lý chất thải Vietnam Waste Solution tại Tây Ninh; công trình cao nhất (47 mét) và dài nhất (1km) cho tòa nhà Agri King tại Thái Lan… Quy mô dự án ngày càng lớn và khác biệt, chẳng hạn tòa tháp cao đến 65 mét thuộc khu nhà thép phức hợp thiết kế cho LG (Hải Phòng) cần đến 7,000 tấn thép; thiết kế nhà xưởng dệt nhuộm cho Gain Lucky có diện tích kỷ lục đến 236,000m2 ở Tây Ninh, sẽ phối hợp với Coteccons – nhà thầu hàng đầu trong nước hiện nay.
“Nói về tháp, chúng tôi còn cung ứng và lắp đặt cho tòa tháp Vietcombank có khối lượng tương đương 10 tầng bằng thép,” Sami tự hào kể.
Ngày nay nhà thép tiền chế đã trở nên phổ biến ở Việt Nam với 95% các công trình công nghiệp áp dụng. Sami cho biết ông tự hào là một trong những người khởi sự cho phân khúc xây dựng mới này tại Việt Nam ở thời điểm chưa có bất kỳ nhà sản xuất thép tiền chế nào, đến nay đã quy tụ khoảng 200 công ty trong nước và nước ngoài cùng hoạt động và cạnh tranh.
CÔNG TRÌNH NHÀ THÉP TIỀN CHẾ CÓ THIẾT KẾ đặc thù mà không có một công thức chung cho tất cả. Cuộc cạnh tranh giữa họ là ở khả năng thiết kế, “may đo”, tiến độ thi công cho từng nhà xưởng, nhà kho, phòng trưng bày – triển lãm, đến trung tâm thương mại, siêu thị, sân vận động… PEB Steel theo đó cũng không ngừng đầu tư các nhà máy ứng dụng công nghệ mới nhất để dẫn dắt thị trường, đi cùng đó là những giải pháp cải thiện hệ thống lọc gió, cách nhiệt hiệu quả, công trình xanh, cấu trúc nhẹ… Top 5 nhà cung cấp lớn nhất đang chi phối khoảng 70% thị trường là các thương hiệu PEB Steel, Zamil Steel, Đại Dũng… Các công trình lớn năm qua đã đưa PEB Steel lên vị trí dẫn đầu thị trường từ cuối năm 2013 (khoảng 18.5% thị phần theo số liệu tự công bố). “Phải mở rộng liên tục, chúng tôi phải tiếp tục tăng trưởng nếu không muốn đội ngũ của mình bị mất động lực,” Sami nói.
Các dự án lớn ký cuối năm 2013 đã “thúc” đội ngũ 700 người của PEB Steel sẽ phải chạy hết công suất trong nhiều tháng tới, trước khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, và dự kiến mang lại mức tăng trưởng “hiện tượng” trong năm 2014, sau khi đã đạt mức tăng trưởng gấp đôi mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2013, tương ứng mức tăng 16%, 32% và 64%, vượt ngưỡng doanh thu 70 triệu đô-la Mỹ. Sami vừa nói về các cơ hội kinh doanh vừa chỉ tay vào từng con số của báo cáo tài chính 2013 đề cập đến các khoản lợi nhuận duy trì ở mức cao, tiền mặt tích lũy tăng lên và khoản nợ zero tính cả trong dài hạn và ngắn hạn. “Điều này cho phép chúng tôi tự tin vào kế hoạch mở rộng sản xuất ngay trong năm nay.”
Sự nổi lên của PEB khiến các nhà thầu công trình hạ tầng lớn để mắt tới. Trong danh mục đầu tư vào PEB Steel là hai tên tuổi Posco và Nippon Steel & Sumimoto Metal Corporation (NSSMC) với mức cổ phần sở hữu của mỗi đối tác là 12%. Một lãnh đạo của NSSMC từng chịu trách nhiệm về vụ đầu tư này, cho biết thời điểm đó (2010) PEB Steel vẫn chưa phải là công ty có thị phần số 1 nhưng triển vọng của PEB Steel trong lĩnh vực kinh doanh nhà thép tiền chế nổi trội ở nhiều yếu tố về chuyên môn công nghệ, khả năng phát triển các sản phẩm và thiết kế mới, giúp họ đối diện với các yêu cầu ngày càng cao hơn và phương pháp phức tạp hơn trong các công trình xây dựng nhà thép tiền chế. Ông đánh giá, PEB Steel được quản lý xuất sắc bởi hai anh em vui tính và tốt bụng Sami và Adib, họ nhạy bén và linh hoạt trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. “Hỗ trợ PEB là cách chúng tôi dự phần vào đất nước mà chúng tôi có mối quan tâm.”
Sami và Adib, anh em cùng cha khác mẹ, là cộng sự của nhau với hai tính cách khác biệt nhưng sự cộng hưởng đã đưa PEB Steel “thành công tiếp nối thành công”. Sami quảng giao, người ta thấy ông xuất hiện trong hầu hết các sự kiện kinh doanh, các hoạt động xã hội. Ông gánh vác vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada (CanCham) trong suốt ba nhiệm kỳ 2008 – 2011 và giai đoạn này cũng thúc đẩy đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Canada vào Việt Nam từ vài chục tăng lên hơn 300. Trong khi Adib kín tiếng hơn, người được nhân viên mô tả là “người đàn ông mẫu mực của gia đình và ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống của nhân viên.” Theo Adib, điều góp phần tạo nên thành công của hai anh em chính là “tính sở hữu” trong công việc. Cũng như từng nhân viên, mỗi người đều được giao công việc và có bảng mô tả cụ thể và chịu trách nhiệm cá nhân. “Nó giúp chúng tôi không ở vào thế đối đầu và theo một quy luật tự nhiên, biết ‘cho và nhận’, sự kết hợp như vậy tạo ra một công thức hoàn hảo để thành công.” Adib nói.
Sami nhớ lại những ngày đầu đến Việt Nam, khi còn là nhân viên tài chính của một tập đoàn đa quốc gia, ông phải đích thân mang LC của Vietcombank ra nước ngoài để thuyết phục các ngân hàng quốc tế chấp nhận thanh toán bởi thời điểm đó nhiều người nước ngoài khi nghe về Việt Nam vẫn còn nghĩ đến hai từ “chiến tranh”. Nhưng sự hoang sơ của miền đất lẫn sự nồng nhiệt con người khiến ông tự tin “đất nước này sẽ phát triển, ở đây có cơ hội.” 20 năm lập nghiệp của ông dù có lúc khó khăn nhưng “chưa biết đến thất bại” bởi hưởng lợi từ nền kinh tế đang tăng trưởng, đặc biệt từ sức hấp dẫn nguồn vốn FDI, ngay trong giai đoạn khủng hoảng khối này vẫn không ngừng mở rộng sản xuất.
Sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh năm 1978, Sami tham gia tập đoàn kiểm toán Arthur Andersen, sau đó ông gia nhập ban kiểm toán nội bộ của tập đoàn Abela (Anh) và tập trung chuyên sâu về lĩnh vực tài chính thương mại. Xuất thân trong lĩnh vực tài chính giúp Sami có cái nhìn nhạy bén hơn về thị trường và cách thức vận hành kinh doanh. “Khi khởi đầu người ta thường nghĩ ngay đến lợi nhuận, còn tôi quan trọng là quản trị dòng tiền.” Điều đó cho phép họ điều phối kinh doanh linh hoạt ngay trong giai đoạn thị trường chung khó khăn.
NGAY KHI KHỦNG HOẢNG NỔ RA NĂM 2008, PEB Steel nhanh chóng mở rộng thị trường ở sáu nước ASEAN. Thay vì cắt lương nhân viên, giảm chi phí, họ liên tục cung ứng các dòng sản phẩm mới, mở rộng các văn phòng kinh doanh, tăng chi phí marketing và đào tạo, chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận. “Dù khó khăn trong việc kiểm soát chi phí vận chuyển nhưng bù lại 50% doanh số xuất khẩu đã giúp chung tôi cân bằng dòng tiền giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, nguồn đô-la thu về trả nợ cho nhà cung ứng và có thể đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt đối với khách hàng,” Sami chia sẻ.
Nhưng sự hoạch định của Sami thành công nhờ sức cộng hưởng của người em Adib, vốn là một kỹ sư cơ khí chế tạo và có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp nhà thép tiền chế. Adib bắt đầu sự nghiệp là một kỹ sư công trình tại CCC, một công ty thiết kế xây dựng lớn nhất Trung Đông trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Ông cũng có nhiều năm giám sát các hoạt động bán hàng và dịch vụ khách hàng trong ngành sản phẩm nhà thép tiền chế ở Kirby Building Systems tại Qatar. Cơ duyên của Adib với Việt Nam kể từ năm 1990, khi ông trở thành giám đốc điều hành của Zamil Steel tại Qatar, sau đó được điều đến ASEAN và trở thành một trong những người tiên phong xây dựng thương hiệu thép tiền chế Zamil Steel tại khu vực này.
Năm 1996, Adib về đảm nhận vai trò giám đốc kinh doanh tại PEB Steel – công ty được người anh Sami sáng lập và điều hành trước đó hai năm và trở thành nhân tố chủ chốt cho sự thành công của PEB Steel – đồng thời cũng đưa PEB Steel trở thành đối thủ mạnh mẽ của Zamil Steel tại Việt Nam.
“CƠ HỘI THẬT RỘNG LỚN VÀ VIỆT NAM LÀ NƠI GIÚP CHÚNG TÔI BIẾN GIẤC MƠ THÀNH HIỆN THỰC.”
– ADIB KOUTEILI, CEO PEB STEEL –
Điều mà Adib nhớ nhất là mỗi khi nhìn vào tấm hình lần đầu tiên chụp ở địa đạo Củ Chi năm 1993, một gã trai trẻ 32 tuổi, nặng 72kg và bây giờ là một doanh nhân với cơ nghiệp riêng tại Việt Nam. “Tôi cũng nhớ đến nhiều người trẻ tôi có dịp gặp thời đó và trở thành những người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam,” ông nói – “Cơ hội thật rộng lớn và Việt Nam là nơi giúp chúng tôi biến giấc mơ thành hiện thực.” Câu châm ngôn được gắn trên tường để khích lệ đội ngũ PEB Steel là: “Đừng nói tại sao bạn thất bại, hãy nói bạn đã thành công như thế nào” cũng được Adib xem là phương châm lãnh đạo của chính mình để luôn trong tìm phương cách và công cụ hỗ trợ đội ngũ của mình thành công.
Theo Sami, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là việc giảm thuế doanh nghiệp và các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước dễ dàng, “dĩ nhiên sau khi hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế và báo cáo tài chính đã kiểm toán. Tuy nhiên Việt Nam không phải là nơi dành cho người kém bản lĩnh, đòi hỏi các kỹ năng và sự trải nghiệm ở thị trường nội địa,” Sami nói và thường kèm theo một tràng cười sảng khoái. “20 năm rồi, Việt Nam đã trở thành quê hương của tôi. Đất nước này đã mang lại cho tôi nhiều cơ hội và tôi phải nói từng ngày: Cám ơn, cám ơn Việt Nam!”
(Theo Forbes Việt Nam, 03.2014)