Lắp dựng kết cấu thép là bước cuối cùng trong toàn bộ quy trình Thiết kế – Sản xuất – Lắp dựng. Bước này cũng là bước quyết định liệu công trình có đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất hay không. Cùng Pebsteel tìm hiểu về các nguyên tắc và quy trình lắp dựng chi tiết ngay trong bài viết sau đây.
Xem thêm:
1. Các nguyên tắc lắp dựng kết cấu thép
- Tiến hành lắp dựng cột kết hợp với xà gồ vách (nếu có), sau đó lắp hệ giằng nhằm giằng các cột lại với nhau. Các cột bắt buộc phải được căn chỉnh chính xác thì mới bắt đầu thực hiện lắp dựng kèo.
- Tùy theo biện pháp thi công lắp dựng kết cấu mà tiến hành lắp dựng khung kèo từ bên trong và lắp ra bên ngoài khung kèo (theo hướng di chuyển của xe cẩu).
- Quá trình lắp dựng phải được bắt đầu từ gian nhà có giằng cột và mái (còn được gọi là giằng gió)
- Cần cố định khung lắp dựng ở vị trí giằng gió trước khi tiến hành bước lắp dựng khung liền kề. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại cho các phần khung kế đó.
- Việc giằng tạm trong quá trình lắp dựng kết cấu thép là bắt buộc. Xà gồ vách và xà gồ mái được liên kết với cáp giằng để định vị và kết nối các khung kèo lại với nhau.
- Trước khi bắt đầu lắp dựng tôn cần phải căn chỉnh khung kèo, căn thẳng xà gồ và vệ sinh sạch sẽ, sau đó sơn lại lên các vết trầy xước.
- Phải thường xuyên căng dây hay dùng phấn để đánh dấu và xác định các vị trí cột mốc nhằm mục đích cân thẳng các tấm tôn ở giai đoạn hoàn thiện phần bao che.
- Khi công nhân đi lại trên phần mái, phải lưu ý chỉ bước chân vào phần sóng âm (hay còn gọi là sóng dưới), tránh dẫm trực tiếp lên sóng dương (còn gọi là sóng cao) để hạn chế làm dập, móp hay thủng tôn.
- Tuyệt đối không di chuyển tại vị trí lợp tôn sáng.
Xem thêm: Tiêu Chuẩn Thiết Kế & Mẫu Nhà Xưởng Đẹp Bằng Khung Thép
2. Quy trình lắp dựng kết cấu thép, nhà thép tiền chế
- Bước 1: Chuẩn bị lắp dựng
Vật tư và thiết bị thi công chính là hai yếu tố then chốt quyết định chất lượng của công trình. Chỉ cần có vấn đề ở một trong hai yếu tố này, chẳng hạn như chất lượng thấp, số lượng không đủ, không đảm bảo an toàn và không có sự đồng nhất với yêu cầu của bản vẽ cấu kiện,… thì quá trình lắp dựng sẽ bị đình trệ, dẫn đến sự sút giảm về chất lượng của công trình. Vì thế ở bước này, đơn vị thi công cần lưu ý cũng như kiểm tra về số lượng và các yêu cầu về vật tư và thiết bị.
- Bước 2: Lắp dựng cột & kèo
Cột là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu thép. Còn kèo có công dụng chống đỡ, liên kết mái nhà với những phần còn lại, giúp cố định mái nhà một cách vững chắc, đồng thời làm tăng tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Việc lắp dựng phải tiến hành theo đúng các yêu cầu kỹ thuật trong lắp dựng và sản xuất.
- Bước 3: Lắp dựng xà gồ & giằng
Dựa trên vị trí và số lượng được thiết kế, thực hiện lắp toàn bộ xà gồ và thanh giằng kèo. Sau đó tiến hành căn chỉnh vị trí các dầm kèo.
- Bước 4: Cân chỉnh khung nhà gian đầu tiên
Đây là giai đoạn các thành phần được đặt vào vị trí chính xác và cân chỉnh để đảm bảo tính an toàn, chính xác và ổn định của toàn bộ công trình xây dựng.
- Bước 5: Lắp các gian kế tiếp và hoàn chỉnh các gian còn lại
Sau khi đã hoàn thành việc cân chỉnh và lắp đặt khung nhà gian đầu tiên, bước tiếp theo là lắp các khung nhà gian còn lại để hoàn thành cấu trúc chính của công trình.
- Bước 6: Lắp nắp gió
Bước này đảm bảo rằng công trình sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác động của môi trường và thời tiết. Việc thực hiện bước này đòi hỏi sự cẩn thận, chính xác và sử dụng các vật liệu phù hợp để đảm bảo tính ổn định và an toàn của cấu trúc thép.
- Bước 7: Kiểm tra hoàn thiện trước lúc tiến hành bao che
Bước này đảm bảo rằng cấu trúc thép đã được thực hiện đúng cách và sẵn sàng cho giai đoạn bao che và hoàn thiện cuối cùng. Sai số lắp dựng kết cấu thép có thể dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng.
- Bước 8: Lắp dựng bao che và hoàn thiện
Đây là giai đoạn cuối cùng trong quá trình lắp dựng kết cấu thép của một công trình xây dựng. Trong bước này, các phần bao che như nắp gió, tấm vách ngoại, hệ thống cách nhiệt, vật liệu hoàn thiện và các thành phần khác sẽ được lắp đặt để bảo vệ và tạo nên vẻ đẹp cuối cùng cho tòa nhà hoặc công trình.
Xem thêm: Yếu Tố Ảnh Hưởng Đơn Giá Xây Dựng Nhà Xưởng Khung Thép
3. Trang thiết bị thi công cần thiết
3.1. Thiết bị máy móc di động
- Các thiết bị máy móc di động bao gồm xe cẩu thùng, xe tải giao hàng, tời nâng, …
- Chỉ có thiết bị máy móc di động đã qua kiểm tra và các thợ điều khiển lành nghề được phép vào công trường thi công.
- Phải rào chắn hoặc cắm cờ báo hiệu tất cả dây dẫn điện ở vị trí máy móc di động có nguy cơ tiếp xúc với điện. Ngoài ra, cần ngắt điện các dây điện có thể gây tai nạn, hoặc có biện pháp bảo đảm an toàn trước khi thực hiện bất cứ hoạt động thi công nào.
- Tất cả mọi loại thiết bị không được phép hoạt động ngay trên dây điện.
- Tuyệt đối không vận hành máy móc cách nguồn điện trên 220 Volt dưới 4,5m.
- Hạn chế di chuyến đến gần hay ngay dưới một vật đang được cẩu lên. Mọi vật nặng được cẩu lên phải có dây lèo (còn gọi là tagline) để lái vật.
- Phải xác định rõ vị trí của cẩu cũng như vị trí hạ vật cẩu trong công trường trước khi cẩu bất kỳ vật gì. Bắt buộc phải thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động, đồng thời phân tích những nguy cơ có thể xảy ra (theo Quy trình An toàn lao động trong Lắp đặt tại công trường).
- Ở tất cả giai đoạn thi công, cần hạn chế việc làm hư hại phần sơn hoàn thiện của kết cấu. Có thể khắc phục bằng cách dùng đai bằng nylon hoặc dây choàng kết hợp với đệm bảo vệ ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với cấu kiện thép. Ngoài ra có thể áp dụng cách dùng cùm xỏ xuyên các lỗ bu lông để nâng.
3.2. Dây cẩu và dây treo buộc
- Bắt buộc phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng dây treo buộc và dây cáp cẩu. Bất kỳ sợi cáp hay dây treo nào bị hư hỏng đều cần được cắt bỏ và huỷ ngay tức khắc.
- Trong quá trình thực hiện cẩu, hạn chế sử dụng dây cẩu một cách tùy tiện. Nhất định phải bảo vệ dây cẩu bằng cách lót những nơi có góc nhọn. Không được phép giật đột ngột khi cẩu, việc giật đột ngột sẽ khiến cho tải tăng thêm 3 lần so với bình thường, vô cùng nguy hiểm cho dây cẩu. Khi không cần dùng, nên mắc dây cẩu một cách gọn gàng. Tuyệt đối không để dây cẩu rơi vào tình trạng quá tải.
3.3. Giàn giáo thi công
- Cần có kế hoạch sử dụng và lắp đặt giàn giáo thi công một cách phù hợp. Tránh làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của xe cẩu cũng như không cản trở khoảng vươn tay cần, đồng thời không gây khó khăn cho các thao tác lắp dựng.
- Luôn đặt giàn giáo trên nền đất cứng, nếu không thì phải lót ván có kích thước tối thiểu là 200 x 200 mm. Các giàn giáo kê riêng rẽ bắt buộc phải được gắn chặt vào kết cấu cố định, khoảng trống ít nhất từ 1,5m. Mỗi tầng giàn giáo phía trên cần được bắt chặt với tầng dưới bằng dây thép hoặc ống giàn giáo để đảm bảo an toàn.
3.4. Dụng cụ cầm tay
- Mọi dụng cụ cầm tay đều cần có dây buộc giữ để chống rơi trong quá trình thi công.
- Các thiết bị phải được sử dụng đúng mục đích. Tuyệt đối không được dùng thiết bị cầm tay để làm những công việc không như mục đích dự tính. Tránh sử dụng các thiết bị thay thế tạm thời.
- Không được sử dụng những công cụ đã bị hỏng hóc, máy móc thiết bị có phần dây quấn bị sờn, có sai sót kỹ thuật hoặc không có phần chụp bảo vệ.
4. Kết luận
Trên đây là các thông tin về quy trình lắp dựng kết cấu thép và một số thông tin liên quan. Trong quá trình lắp dựng, các đơn vị thi công cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn cũng như quy trình an toàn lao động để mang đến các công trình kết cấu thép vững chắc, hiện đại. Nếu khách hàng đang có nhu cầu muốn được tư vấn về các dịch vụ thi công nhà thép tiền chế & kết cấu thép, hãy liên hệ Pebsteel thông qua email [email protected] hoặc số điện thoại +84 908 883531 để được tư vấn ngay hôm nay.